Bệnh Tiểu Đường Và Những Điều Cần Biết
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng số lượng bệnh nhân tiểu đường cao nhất thế giới. Vậy bệnh tiểu đường là gì? Triệu chứng và tác hại của bệnh tiểu đường? Chế độ dinh dưỡng và nhiều thông tin hữu ích khác sẽ được chia sẻ qua bài viết dưới đây, sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về căn bệnh thường gặp này.
Nội dung
- Bệnh tiểu đường là gì?
- Phân loại bệnh tiểu đường
- Tại sao bị tiểu đường?
- Biểu hiện của bệnh tiểu đường
- Bệnh tiểu đường ở độ tuổi nào?
- Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tiểu đường
- Biến chứng của bệnh tiểu đường
- Bị tiểu đường có sinh con được không?
- Điều trị bệnh tiểu đường
- Chế độ dinh dưỡng cho người bị tiểu đường
- Một số câu hỏi liên quan đến bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường (đái tháo đường) là thuật ngữ đề cập đến nhóm bệnh nội tiết ảnh hưởng đến cơ thể do rối loạn chuyển hóa chất bột đường .
Bệnh tiểu đường là gì? (nguồn: hellobacsi.com)
Bệnh tiểu đường (bệnh đái tháo đường) là tình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có biểu hiện đặc trưng là sự gia tăng lượng đường huyết trong cơ thể, do quá trình điều hòa tiết Insulin trong cơ thể bị rối loạn .
Phân loại bệnh tiểu đường
Tiểu đường tuýp 1 là tình trạng cơ thể không sử dụng được glucose do các tế bào tuyến tụy bị phá hủy hoặc tổn thương gây thiếu hụt insulin. Theo thống kê có khoảng 5 - 10% số người mắc bệnh tiểu đường thuộc vào nhóm tiểu đường tuýp 1.
Tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể kháng insulin và hàm lượng đường trong máu tăng cao.
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường trong máu trong giai đoạn mang thai. Nguyên nhân được cho là nhau thai tiết một số hormone làm rối loạn việc sản xuất insulin.
Tại sao bị tiểu đường?
Nguyên nhân tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi cơ thể không thể tự sản xuất được insulin. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 phụ thuộc và sử dụng insulin nhân tạo mỗi ngày.
Nguyên nhân tự miễn liên quan đến tiểu đường type 1 được cho là các tế bào của hệ miễn dịch trong cơ thể bình thường chỉ chống lại các tác nhân có hại xâm nhập, nhưng không biết vì lý do nào đó nó đã quay lại phá hủy các tế bào insulin và gây ra tình trạng tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây ra tình trạng tiểu đường tuýp 1 hiện nay vẫn chưa được xác định và đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Nguyên nhân tiểu đường tuýp 2
Khác với tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng insulin. Điều này có nghĩa là các tế bào ngoại vi trong cơ thể người bệnh đề kháng với insulin hoặc gặp vấn đề trong việc vận chuyển insulin vào máu trong khi tuyến tụy vẫn sản sinh ra insulin như bình thường.
Cũng giống với tiểu đường tuýp 1, nguyên nhân chính xác gây ra tiểu đường tuýp 2 vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, bệnh tiểu đường tuýp 2 thường đi kèm với các yếu tố nguy cơ như lối sống không lành mạnh, béo phì, lão hóa, yếu tố di truyền.
Biểu hiện của bệnh tiểu đường
Biểu hiện điển hình của bệnh tiểu đường là hàm lượng glucose trong máu cao hơn mức bình thường. Các dấu hiệu cảnh báo bị tiểu đường có thể khá mơ hồ có những trường hợp được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc vào viện vì nguyên nhân khác. Nhiều trường hợp khác đến khi bệnh đã nặng và có các biến chứng nặng nề xảy ra thì mới phát hiện là bị tiểu đường.
Thường xuyên đói và mệt là biểu hiện của bệnh tiểu đường
Biểu hiện của tiểu đường
Đói và mệt mỏi: các tế bào trong cơ thể cần insulin để hấp thụ glucose được chuyển hóa từ thức ăn để tạo ra năng lượng. Khi bị tiểu đường cơ thể không thể sản sinh ra bất kỳ loại insulin nào hoặc các tế bào trong cơ thể kháng lại insulin, lúc này các tế bào không thể hấp thụ glucose để tạo ra năng lượng. Người bệnh sẽ đói và mệt mỏi hơn bình thường.
Đi tiểu thường xuyên hơn và khát hơn: khi bị tiểu đường, lượng đường trong máu cao, thận không thể đưa glucose trở lại để cơ thể hấp thu. Lúc này đây, người bệnh sẽ cảm thấy khát hơn, thận bài tiết nhiều nước tiểu hơn, người bệnh sẽ phải đi tiểu thường xuyên hơn.
Khô miệng, khát nước nhiều và ngứa da: khi bị tiểu đường tuýp 1, người bệnh thường cảm thấy miệng khô, luôn khát nước do cơ thể bị mất nước, da khô, thậm chí là nứt da gây ngứa.
Sút giảm cân nặng nhiều: bệnh nhân sẽ bị sút cân mạnh mặc dù ăn uống đầy đủ, thậm chí là nhiều do cơ thể không thể hấp thu các chất dinh dưỡng.
Suy giảm thị lực: tiểu đường gây biến chứng tổn thương các mạch máu nhỏ tiến triển dẫn đến thoái hóa võng mạc mắt đi kèm với mất thị giác. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu của mù lòa.
Nhiễm trùng nấm men: nấm men ăn glucose, tại những nơi có độ ẩm cao nấm men sẽ phát triển mạnh. Ở người tiểu đường tuýp 2, nhiễm trùng nấm men có thể xảy ra ở bất kỳ nếp gấp nào của da như: giữa ngón tay và ngón chân, dưới ngực, trong hoặc xung quanh cơ quan sinh dục của cả nam và nữ.
Vết loét hoặc vết cắt chậm lành: lượng đường trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng máu và gây tổn thương thần kinh khiến cơ thể người bệnh khó chữa lành vết thương. Các vết loét hoặc vết cắt trên cơ thể khó lành hơn người bình thường.
Trong khi các biểu hiện triệu chứng của tiểu đường type 1 thường xảy ra rầm rộ, diễn tiến nhanh thì tiểu đường tuýp 2, bệnh diễn biến rất âm thầm, không hề có các triệu chứng rầm rộ như tiểu đường tuýp 1. Bệnh nhân chỉ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nhờ vô tình xét nghiệm glucose khi đi khám bệnh khác. Hoặc khi có triệu chứng vết thương nhiễm trùng khó liền.
Biểu hiện của tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng nào rõ nét. Mẹ bầu có thể cảm thấy hơi khát và đi tiểu thường xuyên hơn bình thường. Đây là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai nên rất khó để có thể phát hiện ra tình trạng tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu chỉ được phát hiện bị tiểu đường thai kỳ khi khám và làm các xét nghiệm sàng lọc đái tháo đường thai kỳ ở giai đoạn thai từ 24 đến 28 tuần tuổi.
Bệnh tiểu đường ở độ tuổi nào?
Nếu như trước đây, bệnh tiểu đường thường gặp ở người già thì nay có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tùy vào loại tiểu đường mà đối tượng và độ tuổi cũng có sự khác nhau nhất định.
Bệnh tiểu đường ở người già thường là tiểu đường tuýp 2 (nguồn: khoahoc.tv)
Trong khi bệnh tiểu đường tuýp 1 thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi thì bệnh tiểu đường tuýp 2 lại thường gặp ở người trung niên trên 40 tuổi, gia tăng nhanh chóng ở người từ 45 - 65 tuổi. Và tiểu đường thai kỳ thường gặp ở phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ.
Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tiểu đường
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh tiểu đường dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:
Ở bệnh nhân có triệu chứng tiểu đường rõ (tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều và sụt cân rõ) và một lần xét nghiệm đường huyết bất kỳ >= 200 mg/dl (11,1 mmol/l).
Xét nghiệm định lượng HbA1C: HbA1C là thông số chỉ nồng độ đường trong máu trong 3 tháng gần nhất. Đây là xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán và theo dõi ở bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2. Kết quả xét nghiệm < 5.7% là bình thường còn > 6.4% được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm đường huyết lúc đói: loại xét nghiệm này được thực hiện trên người bệnh phải vào lúc sáng sớm khi đã nhịn ăn (kể cả uống nước ngọt) ít nhất 8 tiếng. Bởi thời điểm này, nồng độ glucose trong máu sẽ giảm và không còn được cung cấp năng lượng từ bên ngoài, kết quả mang lại sẽ có độ chính xác cao hơn. Khi tiến hành xét nghiệm đường huyết lúc đói, nếu kết quả <100 mg/dL là bình thường, nếu >= 126 mg/dL đã mắc bệnh tiểu đường, còn có kết quả từ 100 mg/dL đến 125 mg/dL thì mắc chứng tiền đái tháo đường hay rối loạn dung nạp đường huyết, những người này sẽ được hẹn để thực hiện xét nghiệm lại lần 2.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: bệnh nhân xét nghiệm được yêu cầu nhịn ăn ít nhất trong 8 giờ, sau đó uống từ từ 250-300ml nước được hòa với 75g glucose, uống trong 5 phút. Xét nghiệm được thực hiện ở 2 thời điểm, trước khi uống và sau khi uống 2 giờ. Kết quả của xét nghiệm đường huyết ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp nếu đạt >= 200 mg/dL là đã mắc bệnh tiểu đường.
Biến chứng của bệnh tiểu đường
Bị bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể.
Bệnh tiểu đường gây nhiều ảnh hưởng xấu đến các cơ quan (nguồn:soyte.namdinh.gov.vn)
Ảnh hưởng đến tim và mạch máu
Người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc các bệnh đi kèm về tim và liên quan đến mạch máu.
Đường huyết cao góp phần tạo nên các mảng chất béo trong thành mạch máu, làm hạn chế lưu lượng máu và tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu. Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường còn làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp, gây áp lực cho tim.
Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Lượng đường trong máu cao có thể tổn hại đến các dây thần kinh, ảnh hưởng đến nhận thức của người bệnh về cảm giác nóng, lạnh, mất cảm giác ở cánh tay và chân, làm người bệnh không để ý đến các vết thương ở khu vực này, khi diễn tiến nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử chi.
Ảnh hưởng đến mắt
Theo các chuyên gia, tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng mất thị giác. Khi bị bệnh tiểu đường, mạch máu bị sưng, rò rỉ trong mắt có thể gây tổn hại đến thị lực, thậm chí là mù lòa ở người bệnh. Bên cạnh đó, người bị tiểu đường còn có nguy cơ cao mắc đục thủy tinh thể ở độ tuổi sớm hơn.
Ảnh hưởng đến thận
Tiểu đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở người trưởng thành, ảnh hưởng đến khả năng lọc chất thải trong máu.
Ảnh hưởng đến da
Bệnh tiểu đường khiến da bị khô, nứt nẻ do thiếu độ ẩm, dễ bị nhọt, nhiễm trùng nang lông, sưng tấy và nhiễm trùng móng tay. Người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn cao hơn, đặc biệt là nhiễm nấm candida hoặc nấm men ở các nếp gấp ẩm ướt trên da.
Ảnh hưởng đến răng
Người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh về răng lợi cao hơn so với người bình thường. Nướu dễ bị chảy máu, sưng và đỏ tấy do các tác động nhẹ từ việc ăn uống và vệ sinh răng miệng hằng ngày.
Ảnh hưởng đến hệ sinh sản
Khi bị tiểu đường, phụ nữ có thể bị nhiễm trùng trùng âm đạo và bàng quang. Nếu đang mang thai, bệnh nhân có nguy cơ khó sinh và con sinh ra có cân nặng cao hơn. Bệnh tiểu đường ở nam giới khiến đối tác khó thụ thai, nguy cơ vô sinh cao do mức đường huyết cao gây tổn thương cho ADN của tinh trùng.
Bị tiểu đường có sinh con được không?
Trước các tác hại của bệnh tiểu đường, nhiều cặp vợ chồng lo lắng tự hỏi “Liệu bị tiểu đường có sinh con được không?” hay “con sinh ra có bị tiểu đường hay không?”. Theo các chuyên gia, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đều có thể có con. Còn vấn đề con có bị tiểu đường hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, khả năng con sinh ra mắc bệnh từ 4 - 6%. Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 con sẽ có 14% nguy cơ mắc bệnh. Trong trường hợp cả bố và mẹ đều mắc bệnh tiểu đường thì tỉ lệ con mắc bệnh sẽ cao hơn.
Để con được khỏe mạnh, cả bố và mẹ đều cần có các giải pháp kiểm soát tốt đường huyết, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức khỏe, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Đồng thời tạo cho trẻ lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Điều trị bệnh tiểu đường
Hiện nay chưa có giải pháp điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường mà chỉ có các giải pháp ổn định và kiểm soát không để bệnh nặng thêm.
Đối với bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1 bắt buộc phải dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại do cơ thể không thể tự sản sinh ra insulin được. Đồng thời thực hiện chế độ ăn uống hợp lý theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng và luyện tập thể dục đều đặn.
Đối với bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2 cần kiểm soát đường huyết bằng cách nghiêm túc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý, luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
Đặc biệt khi nghi ngờ có các triệu chứng liên quan đến tiểu đường, đừng ngần ngại hãy đến gặp bác sĩ ngay để thăm khám và điều trị kịp thời hơn. Bởi khi phát hiện và điều trị sớm, việc kiểm soát bệnh sẽ hiệu quả hơn.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị tiểu đường
Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường là mối quan tâm của nhiều người, không chỉ bệnh nhân mà cả người nhà bệnh nhân. Chế độ ăn cần đảm bảo cung cấp dinh dưỡng, cân bằng đủ về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết và duy trì cân nặng mong muốn. Đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người bệnh để thực hiện các hoạt động và công việc thường ngày.
Người bị tiểu đường kiêng gì? Nên ăn gì? (nguồn: vinmec)
Nguyên tắc cơ bản trong chế độ dinh dưỡng cho người bị tiểu đường là cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe; điều chỉnh ổn định lượng đường trong máu và không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận,...Người tiểu đường nên ăn gì?
Các loại thực phẩm người bệnh tiểu đường nên ăn gồm:
Nhóm đường bột: ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, đậu đỗ, các loại củ nên chế biến bằng cách hấp, luộc nướng và hạn chế tối đa rán, xào.
Nhóm thịt cá: bệnh nhân nên ăn các loại cá, phần thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, nội tạng...nên chế biến bằng cách hấp, luộc để giảm lượng chất béo không bão hòa
Nhóm chất béo: đậu nành, vừng, mỡ cá, dầu olive là các loại thực phẩm có chất béo không hòa tan nên được ưu tiên trong chế độ ăn của người bị bệnh tiểu đường.
Nhóm rau củ: người tiểu đường nên bổ sung đủ số lượng rau trong thực đơn hằng ngày của mình để đảm bảo đủ lượng chất xơ.
Hoa quả: cần ăn các loại trái cây tươi hàng ngày theo nhu cầu khuyến nghị để đảm bảo cung cấp cho cơ thể đủ vitamin và khoáng chất. Chú ý không nên ăn kèm thêm kem, sữa và hạn chế ăn nhiều trong một lần đối với các loại quả chín ngọt, có chỉ số đường huyết cao
Người bị tiểu đường không nên ăn gì?
Bên cạnh bổ sung các loại thực phẩm trên, người bệnh tiểu đường cũng cần hạn chế một số loại thực phẩm giúp cho quá trình điều trị bệnh đạt kết quả tốt nhất.
Hạn chế ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như: đường kính, gạo trắng, bánh mì trắng, miến và các loại khoai củ nướng, bỏ lò.
Hạn chế tối đa các loại hoa quả sấy, mứt hoa quả, bởi chúng chứa hàm lượng đường cao, ảnh hưởng rất xấu đến người bệnh.
Hạn chế các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa, nhiều cholesterol làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch như thịt lợn mỡ, phủ tạng động vật, da gia cầm, các loại bánh kẹo công nghiệp có thành phần dầu cọ,...
Một số câu hỏi liên quan đến bệnh tiểu đường
Ăn mặn có bị tiểu đường không?
Muối không phải là gia vị ảnh hưởng chính đến lượng đường trong máu. Người đái tháo đường không kèm theo các bệnh lý khác thì không cần kiêng muối nhưng nên ăn nhạt ở mức có thể. Nếu có tăng huyết áp, nên giảm muối ở mức dưới 3g/ngày.
Bị bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì?
Người bị bệnh tiểu đường nên bổ sung một số loại trái cây để đảm bảo cung cấp cho cơ thể nhu cầu vitamin, khoáng chất tương tự với người bình thường. Nên ưu tiên các loại hoa quả tươi, chín và không quá ngọt như: bưởi, dâu tây, cam, thanh long, táo, lê, quả bơ, quả đào, lựu.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc bị tiểu đường có ăn táo tàu được không? Theo các chuyên gia, một quả táo tàu loại bé trung bình nặng 130g chứa 13g carbohydrate, trong đó có 0,7 g chất xơ. Khi so sánh với táo ta với cùng trọng lượng, lượng chất đường và xơ tương đương nhau và là một loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp. Người tiểu đường có thể sử dụng táo tàu như các loại trái cây khác với nhu cầu mỗi ngày đáp ứng nhu cầu khuyến nghị của người trưởng thành bình thường (khoảng 200 - 300g mỗi ngày).
Bệnh tiểu đường không nên ăn trái cây gì?
Người bệnh tiểu đường nên hạn chế sử dụng các loại trái cây quá ngọt như: sầu riêng, mít, xoài chín, chuối chín, vải thiều và nhãn,..
Bị tiểu đường ăn hải sản được không?
Hải sản là một nguồn cung cấp chất đạm tốt đối với cơ thể và bệnh nhân tiểu đường tất nhiên có thể ăn. Tuy nhiên không phải loại hải sản nào người bệnh cũng ăn được, nếu người bệnh có tình trạng dị ứng với một số loại hải sản thì không nên ăn loại đó hoặc nếu tình trạng dị ứng không nặng thì có thể tập ăn dần từng chút một.
Bị tiểu đường có uống được mật ong không?
Mật ong có thành phần đường chủ yếu cấu thành từ loại đường fructose và glucose và có chỉ số đường huyết trung bình (58). Người bệnh tiểu đường được khuyến cáo nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình như mật ong ở mức vừa phải. Đối với quan niệm của nhiều người, mật ong có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, tuy nhiên các nghiên cứu trước đây đã phân tích thành phần dinh dưỡng trong mật ong, các thành phần như vitamin, khoáng chất hay các chất chống oxy hóa chỉ được tìm thấy ở dạng vết. Do vậy, chỉ nên xem mật ong như một thực phẩm cung cấp năng lượng và chất bột đường khác.
Bị tiểu đường có uống nước dừa được không?
Theo các chuyên gia, bệnh nhân tiểu đường có thể thỉnh thoảng uống nước dừa nếu đường huyết được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nước dừa ngọt và làm tăng đường huyết, có thể gây hại đến người bệnh. Vì thế, trước khi quyết định uống, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng xem nước dừa có tốt với bản thân hay không.
Bệnh tiểu đường là căn bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, nếu nghi ngờ mình mắc phải căn bệnh này cần đến với bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để có sức khỏe tốt nhất, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.
Bị tiểu đường có uống sữa được không?
Quan niệm “bị tiểu đường không được uống sữa” dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, chính quan niệm kiêng khem quá mức đã khiến nhiều bệnh nhân bị thiếu dinh dưỡng, sức khỏe giảm sút. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh tiểu đường cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, đảm bảo sức khỏe và hạn chế các biến chứng xấu xảy ra. Các dòng sữa chuyên biệt dành riêng cho bệnh nhân tiểu đường là lựa chọn tối ưu trong việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh. Bệnh nhân có thể sử dụng sữa cho người tiểu đường thay thế cho các bữa ăn phụ, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Gluvita gold là sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt dành cho bệnh nhân tiểu đường của Công ty Cổ phần sữa VitaDairy Việt Nam - thương hiệu uy tín với hơn 15 năm phát triển trong thị trường sữa bột dinh dưỡng. Gluvita gold sử dụng hệ bột đường hấp thu chậm, giúp xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học để kiểm soát đường huyết hiệu quả. Hệ dưỡng chất bổ sung ưu việt với FOS giúp hỗ trợ tiêu hoá, hệ Vitamin & Khoáng chất đa dạng giúp duy trì và cải thiện sức khỏe, Lutein giúp bảo vệ mắt và MUFA, PUFA giúp duy trì sức khỏe hệ tim mạch.
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN SỮA VITADAIRY VIỆT NAM
99 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Tel/Fax: (028) 39152 111