Những Người Có Nguy Cơ Cao Mắc Bệnh Gan Nhiễm Mỡ
Gan nhiễm mỡ được xem là căn bệnh phổ biến hiện nay, hầu hết người mắc phải cũng không có những biểu hiện cụ thể rõ rệt và thường phát hiện khi trải qua các đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc các xét nghiệm có các thủ thuật siêu âm bụng. Bệnh thường gặp tại nhóm người béo phì, uống rượu hoặc mắc tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid.
Do bệnh không gây ra những biểu hiện cụ thể bên ngoài cơ thể nên nhiều người bỏ qua cũng như cho rằng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc khó khăn khi điều trị gan nhiễm mỡ cũng chính là cơ chế chưa rõ ràng, chưa có một loại thuốc đặc trị bệnh.
Nội dung
Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ thừa trong gan, khiến chức năng gan bị suy giảm và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan chiếm khoảng 2 - 4% trọng lượng gan. Tuy nhiên, khi lượng mỡ vượt quá 5 - 10%, tình trạng này được gọi là gan nhiễm mỡ.
Các cấp độ gan nhiễm mỡ
Dựa trên mức độ tích tụ mỡ trong gan, bệnh được chia thành ba cấp độ:
- Gan nhiễm mỡ độ 1: Lượng mỡ trong gan từ 5 - 10%. Ở giai đoạn này, bệnh chưa gây tổn thương nghiêm trọng, không có triệu chứng rõ ràng và có thể hồi phục nếu điều chỉnh lối sống.
- Gan nhiễm mỡ độ 2: Lượng mỡ trong gan từ 10 - 25%. Tình trạng bắt đầu ảnh hưởng đến chức năng gan, có thể gây viêm gan nếu không kiểm soát.
- Gan nhiễm mỡ độ 3: Lượng mỡ trong gan hơn 25%, gan có dấu hiệu bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành nặng hơn.
Hiểu về gan nhiễm mỡ
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) xảy ra khi các chất béo tích tụ trong các mô gan. Do sự đa dạng và phổ biến của bệnh mà hiện nay nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ và NASH vẫn chưa xác định rõ ràng. Tuy nhiên nhóm người có nguy cơ mắc phải nhiều nhất vẫn là nhóm người bị thừa cân, uống rượu bia nhiều, mắc bệnh tiểu đường hay những người có nồng độ Cholesterol trong máu cao.
Người có nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ
Một loạt các bệnh và yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bao gồm:
- Béo phì;
- Suy giáp;
- Suy tuyến yên;
- Phẫu thuật dạ dày;
- Ngừng thở khi ngủ;
- Hội chứng chuyển hóa;
- Nồng độ cholesterol cao;
- Bệnh đái tháo đường tuýp 2;
- Lượng triglycerides trong máu cao;
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ
Triệu chứng nhận biết gan nhiễm mỡ
Cả hai loại gan nhiễm mỡ thường tiến triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, một số người có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải hoặc đau âm ỉ ở phía trên vùng bụng bên phải (vị trí của gan).
Ngoài ra còn có những dấu hiệu này cho thấy gan đã bị tổn thương nghiêm trọng và cần được thăm khám, điều trị kịp thời, bao gồm:
- Bụng sưng to do tích tụ dịch.
- Các mạch máu nổi rõ dưới da vùng bụng.
- Ngực phát triển bất thường ở nam giới (do rối loạn hormone).
- Lòng bàn tay đỏ ửng.
- Vàng da, vàng mắt do chức năng gan suy giảm.
Triệu chứng nhận biết gan nhiễm mỡ
Cách phòng ngừa gan nhiễm mỡ hiệu quả
Gan nhiễm mỡ có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Dưới đây là những biện pháp quan trọng giúp bảo vệ gan và ngăn ngừa sự tích tụ mỡ trong gan:
Tập thể thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý
Duy trì cân nặng ở mức hợp lý là chìa khóa để ngăn ngừa gan nhiễm mỡ. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy đặt mục tiêu giảm cân từ từ (0.5-1kg mỗi tuần) thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Sử dụng công cụ tính chỉ số khối cơ thể (BMI) để đánh giá cân nặng của mình.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh là nền tảng quan trọng trong việc phòng ngừa gan nhiễm mỡ. Bạn nên ưu tiên các loại thực phẩm toàn phần giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc.
Cách phòng ngừa gan nhiễm mỡ thông qua chế độ ăn uống lành mạnh
Đồng thời, hạn chế tối đa các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, thịt đỏ và sản phẩm từ sữa nguyên kem. Giảm lượng đường và tinh bột tinh chế trong chế độ ăn, thay vào đó tăng cường chất béo không bão hòa từ dầu ô liu, quả bơ và các loại hạt. Đừng quên uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ chức năng gan và loại bỏ độc tố.
Hạn chế rượu bia và thuốc lá
Hạn chế rượu bia và không hút thuốc lá là những biện pháp quan trọng để bảo vệ lá gan của mình. Rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gan nhiễm mỡ, trong khi hút thuốc lá gây hại cho gan và tăng nguy cơ mắc các bệnh gan.
Khám sức khỏe định kỳ
Việc khám sức khỏe định kỳ không chỉ giúp phát hiện sớm gan nhiễm mỡ mà còn cho phép chúng ta chủ động phát hiện nhiều bệnh lý khác tiềm ẩn. Điều này tạo cơ hội vàng để can thiệp sớm, điều trị hiệu quả, từ đó ngăn chặn bệnh tiến triển nặng và bảo vệ sức khỏe toàn diện.
TLTK:
- https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC4177476/
- Berná, Genoveva, and Manuel Romero‐Gomez. "The role of nutrition in non‐alcoholic fatty liver disease: pathophysiology and management." Liver International 40 (2020): 102-108.